Khu du lịch sinh thái quốc gia

Măng Đen

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mùa sim muộn ở Măng Đen

Thu tàn thì mùa sim ở Măng Đen cũng cho những trái chín cuối mùa. Cầm trên tay những trái sim chín mọng cuối vụ ở cửa hàng Hoa Sim tại trung tâm thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông), tôi lại nhớ đến đồi sim quê nhà và một thời tuổi thơ ngọt lịm.

Nhưng có lẽ sim xứ lạnh, lắm mưa nhiều gió của Măng Đen trái nhỏ và kém thơm ngọt hơn những vùng sim gò đồi khô khát của xứ Quảng và vùng đất cằn sỏi đá Hà Tĩnh. Anh bạn đồng nghiệp cùng chuyến hành trình, quê ở chân núi Hồng Lĩnh, cũng xác nhận với tôi điều ấy. Còn sim ở xứ đảo Phú Quốc thì tôi chưa có dịp so sánh, nhưng có lẽ với khí hậu miền hải đảo thì chất lượng trái sim phải khác ở đất liền. Đã từ lâu, người dân đảo này thức thời hơn và hiểu được giá trị của cây sim hoang dại mà trời ban nên nhanh chóng tận dụng biến nó thành hàng hóa với những sản phẩm địa phương khá hấp dẫn đối với du khách, như: rượu sim, vang sim, nước giải khát sim ép, kẹo sim...
images2577845_1_tran_phong.gif
Giới thiệu sản phẩm từ trái sim rừng. Ảnh: Trần Phong
 

Măng Đen được mệnh danh là “Đà Lạt thứ hai” với khí hậu đặc trưng mát lạnh quanh năm được người Pháp khám phá từ cuối thế kỷ XIX, trước cả cao nguyên Lâm Viên. Nhưng người Tây bấy giờ không biến nơi đây thành thiên đường nghỉ dưỡng như Đà Lạt mà sử dụng nó làm tiền đồn quân sự then chốt án ngữ một vùng núi phía Tây Quảng Ngãi và Đông Bắc Kon Tum (Măng Đen-Măng Bút được giải phóng đầu năm 1954 trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954). Sau ngày giải phóng, Măng Đen là miền đất hoang vu đi kèm với biệt danh “ruồi vàng, bọ chó, gió Măng Đen”, nơi người Mơ Nâm, Xê Đăng sinh sống khá biệt lập.

Bước qua thời kỳ đổi mới, ngành du lịch phát triển, người Kon Tum tỉnh giấc nhìn thấy “báu vật” của mình bị bỏ quên trong chốn rừng hoang nên đã tập trung đầu tư nhằm đánh thức một tiềm năng mà thiên nhiên ban tặng với tham vọng biến nơi đây thành thiên đường du lịch sinh thái. Sau nhiều năm kiến thiết, hạ tầng nơi miền xứ lạnh này từng bước được cải thiện với con đường từ TP. Kon Tum xuyên đèo Măng Đen khá đẹp, hoành tráng và gần trăm ngôi biệt thự mọc lên dưới bóng thông xanh tạo nên một dáng dấp đô thị xanh (tuy còn rất nhiều tiêu chí thiếu bền vững). Măng Đen nằm dưới chân quần sơn Ngo Kơang, nơi có ngọn Ngọc Linh vời vợi với nhiều sản vật quý từ rừng, nhất là họ nhà sâm như: sâm mắt trúc, hồng đẳng sâm, sâm dây và nhiều cây dược liệu quý hiếm khác.

Bởi vậy, trong các lần hội thảo về phát triển du lịch Măng Đen, các ý tưởng đều đề cập đến chiến lược đầu tư để nơi đây trở thành thiên đường nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái. Do đó, mọi hoạt động cải tạo môi trường có liên quan đến kiến thiết cơ bản đều phải tuân thủ nguyên tắc giữ nguyên trạng rừng tự nhiên và môi sinh, bảo tồn sự đa dạng sinh học; khuyến khích đầu tư phát triển các loại dược liệu, thực phẩm sạch bằng công nghệ cao.

Trở lại Măng Đen vào mùa sim chín lần này, tôi cảm thấy vui hơn khi mà các sản vật địa phương đã thoát kiếp “nằm rừng”. Cô Nguyễn Thị Thùy Trang-cán bộ Tổ Xúc tiến & HTĐT thuộc UBND huyện Kon Plông đã giới thiệu với chúng tôi nhiều sản phẩm có nguồn gốc bản địa, chế biến tại chỗ bằng công nghệ tiên tiến, trong đó có rượu vang sim-sản phẩm đạt chất lượng vàng quốc gia năm 2014 và nước giải khát ép từ trái sim đang được thị trường khá ưa chuộng vì có lợi cho sức khỏe. Một số dược liệu quý khác được khai thác tự nhiên tại chỗ, như: sâm dây, nấm linh chi cổ cò, nấm lim xanh, mật ong rừng… cũng đang được người dân địa phương chế biến thủ công để bán cho du khách.

Tuy nhiên, để Măng Đen trở thành nơi hấp dẫn khách thập phương, ngành du lịch và chính quyền địa phương còn nhiều việc phải làm, nhất là phải đào tạo và chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ làm du lịch; quảng bá và thu hút đầu tư một cách rộng rãi, thận trọng, có điểm nhấn với phương châm: bản sắc, độc đáo và ấn tượng.

Bùi Quang Vinh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội