Kon Plông - lịch sử hình thành và phát triển

        Huyện Kon Plông có lịch sử lâu đời, đã nhiều lần chia tách và sáp nhập với nhiều tên gọi khác nhau, gắn liền với lịch sử Tây Nguyên và lịch sử dân tộc. Huyện nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Kon Tum, có vị trí chiến lược quan trọng đối với Kon Tum và Tây Nguyên; nhân dân trong huyện gồm 4 dân tộc chủ yếu: Xê Đăng, M’Nâm, K’Dong, H’re và một số dân tộc khác sống chan hòa với nhau trong một cộng đồng; có truyền thống nồng nàn yêu nước, yêu quê hương, đoàn kết, thật thà, cần cù lao động, có tinh thần anh dũng bất khuất trong chiến đấu chống mọi kẻ thù xâm lược.

       Từ năm 1867 thực dân Pháp đã dùng bạo lực vũ trang để chiếm đóng, thống trị tỉnh Kon Tum, trong đó có huyện Kon Plông, với những chính sách áp bức, bóc lột ngày một nặng nề. Người dân sống trong cảnh mất nước, mất độc lập, tự do, mất rừng, nguồn suối, đói cơm, rách áo, đồng bào bị chết dần vì bị đàn áp, khủng bố. Trước tình hình đó, cùng với nhân dân cả nước, đồng bào các dân tộc huyện Kon Plông đã đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp.

Trước Cách mạng tháng Tám, dù chưa có tổ chức Đảng, chưa có các đoàn thể cứu quốc trong Mặt Trận Việt Minh, nhưng với tinh thần yêu nước, cùng với sự tác động của phong trào cách mạng trong cùng và sự hỗ trợ của Đảng bộ và nhân dân Ba Tơ (Quãng Ngãi), đồng bào Kon Plông giành được chính quyền cách mạng đầu tiên ở Kon Tum.

        Giữa năm 1946, thực dân Pháp trở lại xâm lược tỉnh Kon Tum, lập lại bộ máy cai trị trong toàn tỉnh, trong đó có huyện Kon Plông. Hội Nghị liên khu ủy và Chính ủy Liên khu V lần thứ I (tháng 01/1949) phát động phong trào xây dựng Đảng, đưa quân từ đồng bằng, Ba Tơ – Quãng Ngãi lên để chống địch càn quét, lấn chiếm; vận động tuyên truyền giác ngộ quần chúng. Cuối năm 1949 chi bộ xã Hiếu được thành lập đầu tiên ở Kon Plông và sau đó có nhiều chi bộ được thành lập. Đến năm 1950 Đảng bộ huyện Kon Plông chính thức được thành lập đã lãnh đạo quân và dân huyện Kon Plông kháng chiến chống Pháp, với chủ trương "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng". Đảng lãnh đạo nhân dân gia tăng sản xuất, thực hành tiết kiệm; trong quân đội xây dựng lực lượng các thứ quân; hướng dẫn nhân dân phòng gian bảo mật; thực hiện "3 không" - không nghe, không thấy, không biết và "3 phòng"- phòng gian, phòng gián điệp, phòng tai nạn.

 

lich sử hình thành.jpg

 

        Năm 1952, Kon Plông được tách thành 2 huyện Kon Plông Bắc (H29) và Kon Plông Nam (H16). Cũng trong năm này, quân và dân huyện Kon Plông, huyện Ba Tơ đã phối hợp cùng Trung đoàn 108, Trung đoàn 803 và Lực lượng vũ trang Mặt trận miền Tây bẽ gãy cuộc hành quân Laterit giải phóng một vùng rộng lớn từ sông Hre đến huyện Kon Plông.

         Chiến dịch Đông - Xuân 1953-1954, quân dân huyện Kon Plông đã phối hợp với bộ đội chủ lực (Trung đoàn 108 và 803) tiêu diệt cứ điểm Măng Đen, Măng Buk; chiến thắng này có ý nghĩa rất quan trọng góp phần quyết định vào thắng lợi của chiến dịch Bắc Tây Nguyên, tạo cơ hội tiến lên giải phóng Kon Plông, thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum và Bắc Tây Nguyên.

       Đến tháng 2/1954, Kon Tum là tỉnh đầu tiên và duy nhất ở Bắc Tây Nguyên được hoàn toàn giải phóng. Cuối năm 1956 Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức phân vùng hoạt động lại các huyện và đặt mật danh mới cho tiện việc chỉ đạo. Huyện Kon Plông được chia thành 2 huyện H16 (huyện Kon Rẫy) và H29 (huyện Kon Plông), đây là căn cứ kháng chiến của tỉnh Kon Tum trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Ngụy.

        Tháng 9/1954, Mỹ - Diệm bắt đầu tiếp quản Kon Tum; vì lợi ích chung của cả nước ta phải chuyển giao chính quyền địa phương cho đối phương. Chúng đưa lính ngụy vào đóng tại các đồn Măng Đen, Kon Plông, Măng Bút và các căn cứ quan trọng khác của tỉnh. Từ giữa năm 1959 Mỹ - Diệm bắt đầu tập trung lực lượng đánh phá cách mạng các tỉnh Tây Nguyên, ở huyện Kon Plông chúng tăng cường vũ khí và binh lính ngày càng nhiều vào các đồn Măng Đen, Măng Bút, Kon Plông...

      Với ý chí gang thép, tinh thần đấu tranh quật cường, bất khuất Đảng bộ và nhân dân hai huyện H16 và H29 đã hăng say lao động sản xuất, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến. Cuối tháng 10/1974 với chiến thắng Măng Đen, Măng Bút vang dội hai huyện H16 và H29 hoàn toàn được giải phóng (30/10/1974), tạo thế và lực mới cùng quân và dân trong tỉnh tiến lên giải phóng tỉnh Kon Tum (16/3/1975), góp sức cùng quân dân cả nước giải phóng Tây Nguyên, mở đường giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước.

        Sau đại thắng mùa xuân 1975, Đảng bộ và nhân dân 2 huyện H16 và H29 nhanh chóng ổn định chính trị, xây dựng chính quyền, khôi phục phát triển kinh tế, chăm lo đời sống mọi mặt cho nhân dân. Tháng 2/1976, Tỉnh ủy lâm thời Gia Lai – Kon Tum ra quyết định sáp nhập các huyện H16, H29 và H1 (thuộc tỉnh Gia Lai cũ) thành một huyện lấy tên Kon Plông thân thuộc từ xưa.

         Sau giải phóng 1975, Đảng bộ huyện xác định phương hướng đi lên sản xuất xã hội chủ nghĩa đó là: "đẩy mạnh khai hoang, phục hóa, xây dựng cánh đồng, làm thủy lợi gắn liền với định cư trên cơ sở định canh vững chắc; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, phát triển khoa học kỹ thuật thâm canh, tăng vụ đi đôi với xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp, phát triển sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục, xây dựng nông thôn mới và con người mới xã hội chủ nghĩa nhằm tạo nhanh cơ sở vật chất, kỹ thuật, nâng cao đời sống nhân dân", đảm bảo đẩy mạnh ổn định tình hình, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

        Từ năm 1986, dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ huyện Kon Plông đã nhanh chóng đổi mới tư duy, vận dụng sáng tạo chủ trương đường lối của Đảng vào thực tiễn địa phương, lãnh đạo nhân dân từng bước khắc phục khó khăn, đưa kinh tế - xã hội dần vào thế ổn định và phát triển; an ninh, chính trị được giữ vững, Đảng bộ đã lãnh đạo các lực lượng vũ trang, bán vũ trang và nhân dân truy quét, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động gây rối, phá hoại của Fulro và bọn phản động khác; từng bước xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

    Tháng 1/2002 huyện Kon Plông được thành lập lại theo Nghị định n14/2000/NĐ-CP ngày 31-1-2002 của Chính phủ trên cơ sở chia tách huyện Kon Plông (cũ) thành hai huyện Kon Plông (mới) và huyện Kon Rẫy.

 

thong.jpg

 

       Từ năm tái lập năm 2002 đến nay với sự quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực; đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, đảm bảo tốt các vấn đề an sinh xã hội, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, an ninh chính trị luôn ổn định và giữ vững; mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ngày càng thắt chặt, củng cố và phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tăng dần qua các năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp. Nhiều công trình trọng điểm cấp tỉnh, cấp quốc gia được triển khai xây dựng trên địa bàn huyện như: Thủy điện Thượng Kon Tum, Thủy điện Đăk Hrinh, Đăk Pô Ne, đường Trường sơn Đông, đường Ngọc Hoàng, Măng Bút – Tu Mơ Rông, nâng cấp mở rộng quốc lộ 24... đã tạo cơ hội cho huyện Kon Plông phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ du lịch trong tương lai. Đặc biệt, khu du lịch sinh thái Măng Đen không những được chính phủ bổ sung vào quy hoạch du lịch sinh thái quốc gia, Kon Plông còn được Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh Kon Tum xác định là 1 trong 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh.