Khu du lịch sinh thái quốc gia

Măng Đen

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HUYỆN KON PLÔNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG, NÂNG CAO ĐỜI SỐNG CHO BÀ CON ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

HUYỆN KON PLÔNG

PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG, NÂNG CAO ĐỜI SỐNG CHO BÀ CON ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ



             Những năm gần đây, du lịch của Huyện Kon Plông có sự phát triển ấn tượng, đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách không chỉ trong nước và cả nước ngoài. Để có được điều này, du lịch  Kon Plông không chỉ đẹp ở cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ mà còn đến từ các giá trị văn hóa, nhất là nét văn hóa giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây.

Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 18-5-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong thời gian qua cấp ủy, chính quyền huyện Kon Plông đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và Nhân dân trên địa bàn huyện về du lịch, phát triển du lịch, gắn việc phát triển triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong đó phát triển du lịch cộng đồng được quan tâm và đạt được kết quả nhất định. Hiện nay, huyện Kon Plông đã triển khai 2 mô hình du lịch cộng đồng tại Làng Văn hóa- Du lịch cộng đồng Kon Pring, Thị Trấn Măng Đen và Làng Văn hóa- Du lịch cộng đồng làng Vi Rơ Ngheo, xã Đắk Tăng. Đây là những điểm du lịch được Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum công nhận và đi vào hoạt động.

  Làng Văn hóa- Du lịch cộng đồng Kon Pring cách trung tâm huyện Kon Plông  khoảng 3km, với 98% dân số là người đồng bào dân tộc Mơ nâm sinh sống, người dân nơi đây có truyền thống văn hóa lâu đời. Từ khi triển khai mô hình du lịch cộng đồng làng Văn hóa- Du lịch Kon Pring không chỉ thu hút nhiều du khách nội địa mà còn có khách quốc tế tới tham quan trải nghiệm.

Dựa vào tài nguyên sẵn có là văn hóa dân tộc, cộng với thiên nhiên tươi đẹp, các sản vật địa phương phong phú, người dân đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở làng Kon Pring đã tạo ra các sản phẩm du lịch riêng để thu hút du khách. Hiện trong làng còn giữ một số công trình kiến trúc mang đặc trưng riêng của người dân tộc mơ nâm là nhà rông, nhà sàn. Người dân đồng bào nơi đây còn lưu giữ, bảo tồn một số bản sắc văn hóa truyền thống như: cồng chiêng, múa xoang, đan lát, nấu rượu cần.. ngoài ra, bà con còn biết chế biến các loại thực phẩm có sẵn mang đặc trưng riêng của làng như: gà nướng, cơm lam, rau rừng... tạo sự hấp dẫn cho du khách trực tiếp được tham gia trải nghiệm.

Du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm làng KonPring
 
Du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm làng KonPring

 

 Làng Văn hóa- du lịch cồng đồng Kon Pring hiện có 05 cơ sở lưu trú homestay với 28 phòng và 01 tổ hợp tác xã có 22 thành viên là người dân tộc thiểu số hoạt động về lĩnh vực du lịch. Trong đó riêng gia đình chị Y Lim- người dân tộc ở đây làm chủ homestay có 5 phòng và 01 nhà sàn sử dụng cho khoảng 40 người lưu trú.  Chị Y Lim chia sẻ: Từ khi làm dịch vụ homestay, trung bình mỗi tháng gia đình chị thu được khoảng 10 triệu đồng/ 1 tháng khi đã trừ chi phí. Nếu du khách có nhu cầu đặt ăn uống các món đặc trưng địa phương hoặc tổ chức đốt lửa trại, xem biểu diễn cồng chiêng- múa xoang thì thu nhập có thể cao hơn. ...

 

Đến với làng du lịch Vi Rơ Ngheo, xã  Đăk Tăng cách trung tâm huyện Kon Plông khoảng 40 km, cùng với tham quan những nét hoang sơ, mộc mạc, thiên nhiên phong cảnh đẹp du khách còn được hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt thường ngày của bà con, khám phá những món ăn độc đáo, những chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống...Mặc dù mới đi vào hoạt động từ năm 2023 nhưng ước tính bình quân mỗi tháng có khoảng từ 400 đến 450 lượt khách đến tham quan, du lịch và trải nghiệm. Thông qua việc làm du lịch người dân đã nâng cao ý thức trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc như: Nhà rông, cồng chiêng, lễ mừng lúa mới và những ngôi nhà sàn truyền thống. Nhờ vậy, thôn làng ngày càng khởi sắc, đã giúp bà con tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Kon Plông đang là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế chung của ngành du lịch, không chỉ góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa vốn có mà còn tạo sinh kế bền vững cho người dân. Để làm được điều này, cấp ủy, chính quyền huyện Kon Plông không chỉ quan tâm đầu tư, hỗ trợ về cơ sở vật chất mà còn phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tạo điều kiện cho bà con được tham gia tập huấn nâng cao kỹ năng làm du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức mở các lớp truyền dạy nghề thủ công truyền thống cho bà con nhân dân địa phương như: nghề đan lát, dệt thổ cẩm và làm các dụng cụ sinh hoạt từ mây, tre...để trưng bày, giới thiệu tại các điểm du lịch, nhà văn hóa cộng đồng và bán cho du khách.

 
Hình ảnh đan lát của bà con dân tộc thiểu số 

 

Để phát triển du lịch cộng đồng gắn với tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kon Plông, cấp ủy, chính quyền huyện cần tuân thủ các quy định về bảo tồn và nguyên tắc phát triển bền vững. Trong đó kiểm soát về môi trường và xã hội là một trong những yêu cầu hàng đầu. Trên cơ sở đó, đưa ra những giải pháp tổ chức, quản lý du lịch, hỗ trợ vốn, tạo điều kiện liên kết với doanh nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho bà con tham gia làm du lịch. Góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, xóa đói giảm nghèo cho người dân, mang lại những giá trị phát triển bền vững, thúc đẩy  phát triển kinh tế - xã hội địa phương./

 

Thu Hằng

Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Truyền thông Huyện Kon Plông, Kon Tum

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết